Bộ đội Việt Nam sẵn sàng sang Thổ Nhĩ Kỳ cứu trợ nhân đạo

Bác sĩ quân y, công binh, lực lượng cứu hộ đã chuẩn bị đủ quân trang, vật dụng, sốt ruột lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Chiều 10/2, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị quân đội triển khai hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến hai hôm nữa, khi Cục Đối ngoại hoàn chỉnh thủ tục xuất nhập cảnh, đoàn cùng hàng hóa trang bị sẽ lên đường.

76 người đi làm nhiệm vụ lần này được tuyển chọn kỹ càng, có sức khỏe, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tinh thần trách nhiệm. 30 y bác sĩ của lực lượng quân y đều có nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có nhiều quân nhân từng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trong Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Phái bộ ở Nam Sudan. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cứu hộ cứu nạn được giao làm tổng chỉ huy các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ.

Bệnh viện Quân y 354 đóng góp 8 y, bác sĩ cho chuyến công tác. Trong đó, có hai bác sĩ chấn thương chỉnh hình, hai bác sĩ hồi sức cấp cứu, ba điều dưỡng và ba nhân viên hậu cần. Thượng tá Hà Huy Dương, Phó giám đốc Bệnh viện, cho biết nhiệm vụ chính của đội khi tiếp cận hiện trường là cấp cứu, điều trị người dân bị thương theo phân công.

Y, bác sĩ đã được tập huấn, diễn tập nhiều lần cấp cứu thảm họa, động đất. Những khó khăn đã lường trước, được quán triệt tới từng cán bộ, chiến sĩ trước khi lên đường. “Quan trọng nhất là công tác tự bảo đảm, làm nhiệm vụ dã ngoại, cấp cứu thảm họa. Chúng tôi xác định sang là bắt tay ngay vào công việc điều trị, cấp cứu cho người dân”, ông Dương nói.

Thượng tá Văn Trọng Trung, Phó chủ nhiệm Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 354, nói anh rất đau lòng khi chứng kiến mất mát mà hai quốc gia chịu động đất đang gánh chịu. “Tâm thế của anh em là rất nóng lòng được sang nước bạn, trực tiếp bắt tay cứu trợ, cứu nạn”, anh nói.





Thượng tá Văn Trọng Trung, Phó chủ nhiệm Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 354. Ảnh: Hoàng Phong

Thượng tá Văn Trọng Trung, Phó chủ nhiệm Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 354. Ảnh: Hoàng Phong

Thành viên thuộc đội quân y đã chuẩn bị đầy đủ quân tư trang cá nhân cho sinh hoạt, ăn uống ở điều kiện thiếu thốn. Cả đội sẽ nhanh chóng thích nghi để bắt tay ngay vào làm việc cường độ cao nhằm giải cứu nạn nhân sau động đất.

Đội cứu sập, Phân đội 93 của Binh chủng Công binh sang Thổ Nhĩ Kỳ được biên chế nhiều trang bị, khí tài, thiết bị công binh hiện đại gọn nhẹ, cơ động. Trong đó có bộ dò tìm tổng hợp Seachcam 3000; radar xuyên đất; bộ dò tìm Trotsky; bộ cứu hộ thủy lực Weber…

Thiếu tá Trần Thế Thành, Trợ lý Tham mưu Phân đội 93, nói khi được giao nhiệm vụ, đơn vị đã quán triệt, xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Công tác chuẩn bị, việc lập danh sách được thực hiện chặt chẽ, lựa chọn cá nhân có trình độ năng lực, trình độ chuyên môn, tiếng Anh tốt.

30 cán bộ, chiến sĩ đã được huấn luyện cụ thể, tỉ mỉ, sử dụng thành thục các trang thiết bị cầm tay như dò tìm, máy cắt bê tông…”Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tìm kiếm nạn nhân, đưa nạn nhân còn sống về vị trí an toàn, tiếp tục rà soát, giải quyết hậu quả sau động đất”, anh nói, cho biết đơn vị đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thông qua đợt diễn tập trong nước và quốc tế.





Thiếu tá Trần Thế Thành, Trợ lý Tham mưu Phân đội 93. Ảnh: Hoàng Phong

Thiếu tá Trần Thế Thành, Trợ lý Tham mưu Phân đội 93. Ảnh: Hoàng Phong

Thiếu tá Trần Quốc Hương – Đội trưởng Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Trường Trung cấp 24 Biên phòng khẳng định, đoàn công tác sẽ đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn. Đội sẽ phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức quốc tế khác để tìm kiếm cứu nạn bài bản, hiệu quả, thể hiện được vai trò, vị thế cứu hộ cứu nạn, ứng phó thảm họa quốc tế của lực lượng BĐBP nói riêng và QĐND Việt Nam nói chung.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết mức độ thiệt hại của trận động đất này rất lớn, tương đương với hàng chục quả bom nguyên tử. Việt Nam cử quân nhân đi làm nhiệm vụ cứu trợ thảm họa động đất là hoạt động nhân đạo, thể hiện trách nhiệm quốc tế, tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam. Việc này cũng góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, đất nước, con người và quân đội nhân dân Việt Nam; tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tướng Cương, đây là nhiệm vụ vinh quang nhưng hết sức khó khăn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt với nhiệt độ -5 đến -10 độ C. Hy vọng lớn nhất là trong đống đổ nát vẫn còn người sống sót, đang chờ từng giây, từng phút được giải cứu. “Chúng ta sang bên đó, chỉ cần cứu một vài người còn sống trong đống đổ nát, tôi tin rằng các đồng chí vô cùng phấn khởi, vô cùng hạnh phúc”, ông nói.





Thượng tướng Nguyễn Tân Cương dặn dò y bác sĩ quân y trước khi họ lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ cứu trợ nhân đạo. Ảnh: Hoàng Phong

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương dặn dò y bác sĩ quân y trước khi họ lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ cứu trợ nhân đạo. Ảnh: Hoàng Phong

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhấn mạnh công tác tự bảo đảm cho quân nhân ăn uống, sinh hoạt; đồng thời viện trợ cho người dân do khu vực chịu động đất; tuyệt đối không để bộ đội bị đói, bị rét, vì “hoàn thành nhiệm vụ nhưng phải giữ gìn sức khỏe”.

Ông yêu cầu 76 quân nhân lên đường làm nhiệm vụ cứu trợ nêu cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi tổ chức các lực lượng, từng nhóm phải có phân công người chỉ huy. “Trang bị cho mỗi người một quyển sổ nhỏ, một cái bút để ghi số điện thoại của đồng đội, ghi tần số bộ đàm, hoặc vị trí làm nhiệm vụ từng người, để khi mất liên lạc thì có thể tìm hỗ trợ ngay”, tướng Cương căn dặn.

Trận động đất mạnh 7,9 độ ngày 6/2 đã khiến hơn 21.000 người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiệt mạng, tính đến trưa 10/2. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố báo động cấp độ 4 và kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế.

Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/6/1978, có quan hệ suốt 45 năm qua. Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ủng hộ Việt Nam làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong các đối tác thương mại phi dầu mỏ hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Kim ngạch song phương năm 2022 đạt gần 2 tỷ USD (trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,57 tỷ USD). Lũy kế đến cuối năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ có 32 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 800 triệu USD, đứng thứ 28/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Sơn Hà