Hải đăng Tiên Nữ do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông – hải đảo (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Bộ GTVT) quản lý, nằm ở tọa độ 08˚52’16,1″ vĩ độ bắc – 114˚40’50,8″ kinh độ đông.
![]() |
Hải đăng Tiên Nữ trên đảo Tiên Nữ mai thanh hải |
Được thiết lập từ năm 2000, với tháp đèn cao 22,1m và tâm sáng 20,5m (hiệu lực ban ngày là 14 hải lý/gần 26km, hiệu lực ban đêm là 15 hải lý/gần 28km) hải đăng Tiên Nữ giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Trường Sa và lân cận định hướng, xác định vị trí của mình.
Đảo Tiên Nữ cách bán đảo Cam Ranh khoảng 374 hải lý/693km và nằm trên bãi đá Tiên Nữ (chiều dài khoảng 6,5km, chiều rộng nhất khoảng 2,8km, có độ cao trung bình 0,3m so với mực nước biển). Trong bãi Tiên Nữ có lòng hồ dài 7,5km, chiều rộng 3,4km. Bãi đá Tiên Nữ là vành đai san hô khép kín. Khi thủy triều xuống 0,7m, những gò san hô nổi lên, tập trung nhiều ở phía bắc và đông bắc của bãi. Khi mực nước chỉ xuống còn 0,1m, toàn bộ phía ngoài có thể lội bộ đi xung quanh. Thềm san hô xung quanh đảo có chiều rộng từ 300 – 500m.
Đảo Tiên Nữ mang đậm dấu ấn thời tiết, khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa: Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, không có mưa. Mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 1 năm sau, ngày nào cũng có mưa, có ngày lượng mưa đo được lên đến 300mm, giông tố thất thường.
Ông Vũ Sĩ Lưu (nguyên Trạm trưởng hải đăng Tiên Nữ, người có gần 30 năm công tác tại các trạm hải đăng ở quần đảo Trường Sa) cho biết “Do gần đường xích đạo, nên hằng ngày ở Tiên Nữ, chúng tôi nhìn thấy mặt trời trước đất liền cả tiếng đồng hồ” và lý giải: “Lấy thước kẻ 1 đường thẳng về đất liền Việt Nam nằm ở phía tây thì hải đăng Tiên Nữ cách bãi bồi của xã Tân Tiến, H.Đầm Dơi, Cà Mau khoảng 1.020km. Điểm gần đất liền nhất là Mũi Dinh (Ninh Thuận) cũng 367 hải lý/ 680km”.
![]() |
Cửa chính của hải đăng Mai trần tường linh |
Nhìn từ trên cao xuống, bãi Tiên Nữ giống hình 1 củ ấu. Đầu phía đông bắc là trạm hải đăng, dưới phía tây nam là các nhà lâu bền, đa năng – nơi đóng quân của bộ đội đảo Tiên Nữ (lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân).
Hai đầu bãi này cách nhau khoảng 5,2km theo đường chim bay, nên việc di chuyển qua lại chỉ trông cậy vào xuồng cao tốc CQ của bộ đội đảo và chiếc xuồng sắt nhỏ gắn máy đẩy rất cũ kỹ của trạm hải đăng.
![]() |
Xuồng cao tốc CQ của bộ đội Vùng 4 Hải quân cạnh bờ kè hải đăng Tiên Nữ mai thanh hải |
“Chúng tôi đứng chân đúng cực đông trên biển của Tổ quốc. Phía sau là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Gần nhất là đảo Núi Le, nhưng cũng 29 hải lý (gần 54km) về phía tây nam” – ông Nguyễn Đức Huy (Phó giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo) nói và chắc chắn: “Tuy xa xôi nhất, gian khổ nhất nhưng cán bộ công nhân hải đăng Tiên Nữ luôn bám trụ, giữ ánh sáng cho tàu thuyền”…
![]() |
Xuồng sắt nhỏ gắn máy đẩy của công nhân trạm hải đăng Tiên Nữ chạy trong lòng hồ, phía xa là nhà lâu bền, đa năng của bộ đội phòng thủ đảo thuộc lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân mai thanh hải |
Ở cực đông Việt Nam trên biển, chỉ có tàu Hải Đăng 05 của Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam thường xuyên ra tiếp tế lương thực thực phẩm, vật tư trang thiết bị và sửa chữa máy móc, đổi ca công nhân. Ngoài ra, còn lực lượng phòng thủ đảo (lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân), các tàu của hải quân, kiểm ngư, cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống.
Một số hình ảnh về hải đăng Tiên Nữ và đảo Tiên Nữ – cực đông trên biển của Tổ quốc Việt Nam.
![]() |
Hải đăng Tiên nữ đón mặt trời lên buổi sáng mai thanh hải |
![]() |
Công nhân hải đăng Tiên Nữ ra cầu cảng chờ đón người đến thăm mai thanh hải |
![]() |
Hải đăng Tiên Nữ nhìn từ nhà đa năng của bộ đội phòng thủ đảo mai thanh hải |
![]() |
Một trong các điểm đóng quân của bộ đội lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân trên đảo Tiên Nữ mai thanh hải |
![]() |
Nhà lâu bền và nhà đa năng trên đảo Tiên Nữ |
![]() |
Bãi Tiên Nữ nhìn từ đỉnh ngọn hải đăng mai thanh hải |
![]() |
Chăn nuôi gà trên đảo Tiên Nữ mai thanh hải |
![]() |
Tàu Hải Đăng 05 đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho hải đăng Tiên Nữ mai thanh hải |