Người bệnh có thể chườm nóng, chườm lạnh, dùng thuốc không kê đơn, điều chỉnh tư thế ngủ; tránh nhỏ dầu ô liu, tỏi… vào tai khi nhiễm trùng.
Đau dai dẳng trong tai do nhiễm trùng gây ra cảm giác khó chịu. Các trường hợp nhiễm trùng tai nhẹ thường có thể tự khỏi nhưng có một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể hữu ích.
Bác sĩ Nguyễn Huỳnh, công tác tại phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ) giải thích cách thức hoạt động của một số biện pháp khắc phục tại nhà, những điều nên tránh và khi nào nên khám bác sĩ.
Điều nên làm
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Để giảm đau, người bệnh có thể dùng thuốc ibuprofen và acetaminophen với liều lượng phù hợp.
Thay đổi tư thế ngủ: Cách ngủ có thể ảnh hưởng đến cơn đau tai. Người bệnh có thể gối đầu lên gối cao khi tai bị nhiễm trùng. Nếu tai trái bị nhiễm trùng thì ngủ nghiêng về bên phải. Ít áp lực ở tai hơn sẽ giúp ít đau tai, người bệnh có thể cảm thấy tốt hơn.
Chườm nóng hoặc lạnh: Sử dụng một túi nước đá hoặc túi chườm nóng đặt lên tai giúp giảm đau. Có thể luân phiên chườm lạnh và ấm sau khoảng 10 phút. Chú ý để nhiệt độ phù hợp, tránh quá nóng vì có thể gây bỏng.

Chườm nóng hoặc lạnh giúp giảm cảm giác đau tai khi nhiễm trùng. Ảnh: Freepik
Bài tập xoay và duỗi cổ có thể giảm bớt áp lực tích tụ trong ống tai. Với đặc tính kháng viêm, dùng nước gừng thoa quanh tai ngoài (không dùng trong ống tai) có thể làm dịu cơn đau. Nhỏ một vài giọt hydrogen peroxide (nước oxy già) vào tai cũng là một cách. Sau một vài phút, người bệnh để cho nước chảy ra và vệ sinh sạch tai. Tuy nhiên, nên lưu ý thao tác cẩn trọng khi dùng gừng, nước oxy già và nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Nên tránh
Bác sĩ Nguyễn Huỳnh lưu ý tránh các biện pháp khắc phục tại nhà cho bệnh nhiễm trùng tai dưới đây.
Dùng tỏi, dầu ô liu, cây trà: Nhiều người có thể nghe về các biện pháp như dùng tỏi, cây trà hoặc dầu ô liu để chữa nhiễm trùng tai. Mặc dù tỏi có đặc tính kháng khuẩn nhưng nên thận trọng và không thể giải quyết được nguồn gốc của bệnh.
Dùng thuốc không kê đơn: Tránh dùng các loại thuốc benzocaine để làm tê và antipyrine nhằm giảm đau, giảm viêm. Thuốc có tác dụng rất ngắn và đôi khi có phản ứng ngược lại, gây đau tai hơn.
Người bệnh nên đi khám nếu: các triệu chứng vẫn còn sau hai hoặc ba ngày sau khi thử các biện pháp khắc phục tại nhà; tai bị đau nhiều hoặc có các triệu chứng khác ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc; người bệnh bị sốt trên 40 độ C.
Kim Uyên
(Theo Cleveland Clinic)