
Hà NộiCụ bà 63 tuổi đau bụng dữ dội quanh rốn, choáng, sốc, bác sĩ chẩn đoán hoại tử ruột do tắc động mạch khi dùng thuốc chống đông
Bệnh nhân được sơ cứu tại bệnh viện huyện, sau đó chuyển bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng sốt cao 38 độ, khó bắt mạch, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, bụng chướng, đau khắp bụng. Bà có tiền sử nong van hai lá và dùng thuốc chống đông từ 2009 đến nay.
Kết quả xét nghiệm cơ bản cho thấy bệnh nhân có tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, chảy máu trong ổ bụng, rối loạn đông máu nặng do dùng thuốc chống đông.
Đánh giá đây là bệnh nhân nặng, bệnh lý phức tạp, ngay lập tức kíp trực ngoại khoa đã tiến hành báo động đỏ nội viện, kết hợp chuyên khoa ngoại, gây mê, hồi sức, nội khoa tiến hành phẫu thuật.
Bác sĩ Bùi Đức Duy, trưởng khoa ngoại tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, ngày 15/6 cho biết, đây là ca phẫu thuật khó vì đoạn ruột hoại tử sát góc tá hỗng tràng, vậy nên việc lập lại lưu thông tương đối khó khăn. Ngoài ra, bệnh nhân có bệnh nền nặng phức tạp, nguy cơ xì, bục, miệng nối, chảy máu sau mổ là có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, ổ bụng bệnh nhân có khoảng hơn hai lít máu và khoảng 6 cm hoại tử tím đen. Bác sĩ phải phối hợp hồi sức và nội tim mạch tránh nguy cơ chảy máu sau phẫu thuật cũng như tắc mạch mạc treo ruột non ở các vị trí khác.
Bốn ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, da niêm mạc bình thường, mạch huyết áp ổn định, không sốt, bụng mềm, có thể ăn nhẹ qua đường miệng, đi lại được, các xét nghiệm đông máu trong giới hạn cho phép,, không có dấu hiện chảy máu sau mổ.
Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân tim mạch khi dùng thuốc chống đông phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều, bỏ thuốc, phải uống thuốc đùng giờ và theo dõi tái khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh liều lượng cho phù hợp, vừa đảm bảo mục tiêu điều trị, vừa tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Đối với các trường hợp đau bụng cấp, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế khám chữa bệnh gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Thùy An