Lô thiết bị quân sự của Mỹ bắt đầu được chuyển bằng vận tải cơ tới Ba Lan, nhằm củng cố sườn đông NATO trong nỗ lực đối phó Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak tối 4/2 thông báo “một nhóm tiền trạm” của lực lượng Mỹ đã tới Ba Lan, đồng thời đăng ảnh các binh sĩ dỡ khí tài, trang bị quân sự từ vận tải cơ C-130 Hercules. “Đây là minh chứng cho tình đoàn kết giữa các đồng minh”, Blaszczak viết trên Twitter.
Đài truyền hình tư nhân TVN24 cũng đăng cảnh hai vận tải cơ Mỹ dỡ hàng hôm 4/2 ở sân bay Rzeszow-Jesionka tại miền nam Ba Lan, đồng thời cho hay đã có 6 máy bay vận tải quân sự Mỹ hạ cánh xuống đây.
Động thái chuyển khí tài của Mỹ tới Ba Lan, thành viên nằm ở sườn đông NATO, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 3/2 thông báo sẽ sớm triển khai gần 3.000 lính Mỹ tới Đông Âu để củng cố sườn đông NATO.

Vận tải cơ Hercules C-130 của Không quân Mỹ hạ cánh trên đường băng sân bay Jasionka gần Rzeszow, đông nam Ba Lan, ngày 4/2. Ảnh: Reuters.
Blaszczak và Lầu Năm Góc khi đó tiết lộ khoảng 1.700 lính Mỹ từ Sư đoàn Dù 82 tại Căn cứ Fort Bragg sẽ được triển khai tới Ba Lan, nhưng lực lượng này sẽ không đồn trú lâu dài. Mỹ cũng sẽ sớm điều khoảng 300 quân tới Đức, nơi dự kiến thiết lập một sở chỉ huy liên quân.
Hiện chưa rõ khi nào nhóm 1.700 binh sĩ Mỹ sẽ tới Ba Lan và họ sẽ đóng quân ở đâu. Bộ Quốc phòng Ba Lan và quân đội Mỹ không bình luận về thông tin.
Mỹ hiện triển khai khoảng 4.500 binh sĩ tại Ba Lan trong khuôn khổ lực lượng NATO cũng như theo thỏa thuận song phương. Lực lượng này chủ yếu đóng quân ở phía tây Ba Lan, trên cơ sở luân phiên.

Vị trí Nga và Ba Lan. Đồ họa: BBC.
Căng thẳng giữa Moskva và phương Tây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều hơn 100.000 quân tới biên giới Ukraine nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tiến đánh quốc gia láng giềng.
Nga liên tiếp phủ nhận cáo buộc, khẳng định động thái điều binh chỉ nhằm phục vụ mục đích tự vệ và đảm bảo an ninh, đồng thời đưa ra hàng loạt yêu cầu đảm bảo an ninh đối với phương Tây, trong đó có yêu cầu Ukraine không được phép gia nhập NATO. Hiện các bên chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về các đề xuất an ninh này.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)